Trước những băn khoăn của dư luận xã hội về kì thi
THPT quốc gia, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa lên
tiếng giải đáp khá chi tiết xoay quanh kì thi này.
Những đổi mới căn bản nhất của kì thi THPT quốc gia?
Trả lời:
1. Kì thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở kế
thừa những thành công của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm
qua, nhất là năm 2014 đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Để đảm bảo không gây
“sốc” cho thí sinh, giáo viên (GV), phụ huynh và xã hội, không yêu cầu GV và HS
phải thay đổi quá nhiều về dạy và học. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới nên kì
thi sẽ có những đổi mới căn bản về mục đích và tác động tích cực đối với dạy học
ở các trường phổ thông. Cụ thể là, tổ chức một kì thi quốc gia để xét công nhận
tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng
làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kì thi để thực hiện hai
mục đích riêng rẽ như trước đây.
2. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển
sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt
buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật
lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều
kiện không đảm bảo chất lượng dạy học, được chọn môn thi thay thế trong số các
môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được
xem xét miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký
thi thêm các môn còn lại phù hợp với phương án của các trường ĐH, CĐ để có thêm
cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ; thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước
chỉ cần đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
3. Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng đề thi với định dạng tương
tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng đánh giá
năng lực người học ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao
đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Cùng với việc nâng cao dần chất lượng giáo dục trong
quá trình dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành
phẩm chất, năng lực của người học, qua từng năm học đề thi sẽ tăng dần yêu cầu
vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
4. Về tổ chức thi, sẽ bố trí coi thi, chấm thi theo
các cụm thi tập trung do trường ĐH có uy tín được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chủ
trì (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014 nhưng tăng thêm số lượng các cụm thi
để tạo thuận lợi cho thí sinh) với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường
ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Tại các địa phương không có cụm thi do trường
đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kì thi
chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để xét tuyển vào
các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức
một số cụm thi do các sở GDĐT chủ trì.
Điểm thi của thí sinh trong kì thi được sử dụng để
xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; thí sinh sẽ dự thi trước,
đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi. Như vậy,
việc tách khâu thi và xét tuyển trong tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tạo cơ hội cho thí
sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình,
tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn
có thể trượt ĐH.
Dư luận băn khoăn với việc ngoài 3 môn thi bắt buộc,
thí sinh được tự chọn các môn thi trong số các môn tự chọn sẽ dẫn đến tình trạng
học sinh học lệch? Quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ “Đảm bảo cho học
sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng,
đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải
tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”;
đồng thời, đáp ứng yêu cầu “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở
các lớp học trên”; do đó, ngoài việc phải thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn và
Ngoại ngữ) thí sinh sẽ được tự chọn các môn thi trong số các môn Vật lí, Hóa học,
Sinh học, Lịch sử và Địa lí là phù hợp với chủ trương này. Chương trình và sách
giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn,
nên việc cho học sinh tự chọn môn thi là phù hợp với chương trình và tình hình
thực tế.
Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với
điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, đảm bảo học sinh “học
gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu đối với
tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển đại học
tốt; Trên cơ sở đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, học sinh chú trọng hơn vào
các môn theo năng lực, sở trường của mình, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục
đại học có thêm căn cứ để tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu
cầu chất lượng của trường;
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh
trong quá trình được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo
điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy
học; học sinh không coi nhẹ môn học nào; từng bước khắc phục quan niệm môn
chính, môn phụ trong nhà trường.
Việc đưa vào các môn tự chọn là giảm áp lực cho các
thí sinh, đồng thời phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT, là giải pháp phù hợp
chủ trương định hướng nghề nghiệp bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị
trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau.
Hơn nữa, xét trên tất cả học sinh lớp 12 trong cả nước,
với việc cho học sinh tự chọn thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, hướng tới sự
cân đối, hài hòa hơn giữa các môn học trong nhà trường.
Với quy định những học sinh, học viên không được học
môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì
không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thi thay thế trong
số các môn tự chọn.Như thế nào là điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học?
Việc này sẽ được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải
thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng
Đức, Tiếng Nhật. Những học sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều
kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại
ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh
học, Lịch sử, Địa lý.
Điều kiện dạy học không đảm bảo thể hiện ở các khía
cạnh chính như sau: Giáo viên dạy môn Ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn, năng
lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học; việc thực hiện chương trình không liên tục;
do học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ; nhà trường ở nơi có
điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trang thiết bị dạy học, thực hành tiếng chưa
đáp ứng yêu cầu dạy và học...Những thí sinh học Ngoại ngữ trong điều kiện như
trên sẽ được tự chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ. Những nhà trường chưa đủ
điều kiện cần tập trung cố gắng để nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu dạy
học ngoại ngữ để học sinh được dự thi ngoại ngữ trong các năm sau.
Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế
thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kì thi THPT quốc gia. Giám đốc sở GDĐT báo
cáo Bộ GD-ĐT để quyết định việc không bắt buộc thi môn Ngoại ngữ đối với thí
sinh của các trường thuộc phạm vi quản lý.
Để tổ chức một kì thi thực sự nghiêm túc, kết quả đạt
tới “độ tin cậy”, Bộ đã tính đến những phương án khả thi nào trong tất cả các
khâu (ra đề, coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi để xét tuyển)?
Trả lời: Muốn tổ chức kì thi nghiêm túc, kết quả có
độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến
xử lý và sử dụng kết quả thi.
Kì thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế
thừa, phát triển những ưu điểm, của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ
năm 2014. Để đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi sẽ tổ chức
coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Với các cụm thi tại
địa phương, cùng với tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức
thi sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng
thời phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kì thi.
Và, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT như
trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham
gia các khâu tổ chức thi.
Bên cạnh đó, đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng
đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi
mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận
dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình
độ thí sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ; Hiện nay Bộ đã bước
đầu xây dựng được ngân hàng đề thi, trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được
phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá
chất lượng giáo dục.
Cùng với việc phát huy vài trò trách nhiệm của cán bộ,
GV tham gia kì thi, sẽ tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức thi, xử lý kết quả
thi và quản trị cơ sở dữ liệu của kì thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo
tính bảo mật và an toàn. Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả
thi, xét công nhận tốt nghiệp và nhất là hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường
ĐH, CĐ.
Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất
là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy
ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy
chế thi đối với CB, GV và thí sinh.
Bộ GD-ĐT cùng các sở GD-ĐT và các nhà trường sẽ chủ
động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của kì thi để dành những
thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Tất cả những khó khăn trong kì thi đều có
giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý
Nhà nước về giáo dục các cấp.
Việc tổ chức kì thi quốc gia có phát sinh tốn kém so
với các kì thi hiện nay?
Trả lời: Trong kì thi THPT quốc gia, thí sinh có
nguyện vọng sử dụng kết quả thi với 2 mục đích phải di chuyển đến các cụm thi
như tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Tuy nhiên, so với chi phí cần cho việc
tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây cùng với chi phí
cho hàng triệu lượt dịch chuyển của thí sinh và người nhà mỗi mùa thi, thì tổng
chi phí của kì thi THPT quốc gia sẽ giảm đi rất nhiều.
Đối với hầu hết thí sinh, từ năm 2014 trở về trước
phải tham dự 2 kì thi liền nhau, đặc biệt kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì các thí
sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi. Năm nay, với việc
chỉ tham dự 1 kì thi được tổ chức thành nhiều cụm thi sẽ giảm bớt nhiều chi phí
cho thí sinh dự thi.
Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kì thi thì ít
nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp
THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với
10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển
sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất
cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT, 3
môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt
tuyển sinh CĐ). Nhưng trong kì thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4
môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi;
với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn
giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội
cũng sẽ giảm được chi phí cho kì thi.
Với kì thi THPT quốc gia, Bộ chỉ phải xây dựng một bộ
đề thi chứ không phải xây dựng nhiều bộ đề thi như trước đây (ít nhất là 4 bộ đề
thi cho kì thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi ĐH, CĐ) nên cũng sẽ giảm rất nhiều
chi phí cho công tác này.
Tuy nhiên, tổ chức kì thi THPT quốc gia cũng sẽ có một
số khó khăn. Thứ nhất, các trường ĐH, các sở GD-ĐT chủ trì tổ chức cụm thi
trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014
trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc
3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức thi được rút ngắn. Thứ hai, những
cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển
nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng cán bộ, giáo viên, giảng viên
và các nhà trường sẽ nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn này để dành phần
thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình các em.
Bộ GDĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với
nhiều giải pháp mới, trong khi chương trình giáo dục phổ thông lại vẫn
như cũ. Phải chăng ở đây đang có sự mâu thuẫn?
Trả lời: Thực ra ở đây không có mâu thuẫn. Vì
trong thực tế những năm qua, việc đổi mới thi cử đã bắt đầu có tác dụng
nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học dù chương trình
giáo dục vẫn là chương trình hiện hành. Nhưng tác dụng đó vẫn còn hạn chế bởi
các điều kiện dạy học chưa được cải thiện, đổi mới quản lý quá trình dạy học
mới chỉ là bước đầu. Ở kì thi nào, đề thi cũng phải dựa trên khảo sát kết quả học
tập của đại trà học sinh để đảm bảo yêu cầu phân hoá được thí sinh, phải đảm bảo
học sinh nào giỏi thì sẽ làm bài tốt hơn, ai học yếu thì sẽ làm bài
kém hơn. Vì vậy, học sinh nên tập trung nỗ lực học tốt, không quá lo lắng về
chuyện thi cử thế nào.
Mặt khác, bằng việc đổi mới thi, kiểm tra để đổi mới
phương pháp dạy học trong các nhà trường theo định hướng hình thành và phát triển
phẩm chất, năng lực của người học; tuy nội dung chương trình, SGK chưa thay đổi
nhưng vẫn có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học để góp phần đạt mục
tiêu nói trên.
Đề thi được thiết kế như thế nào để đạt được mục
đích của kì thi và đánh giá được toàn diện thí sinh?
Trả lời: Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục
toàn diện là trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, học sinh
phải được tạo môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường của
mình theo định hướng nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT đổi mới
phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh
vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên
quan đến thực tiễn cuộc sống. Đề thi của kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh
ĐH, CĐ, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử,
Địa lí đã được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc
lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh
vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa
lí, Giáo dục công dân...);
Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng
đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi
mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận
dụng, vận dụng cao, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hầu hết thí sinh, và yêu cầu
nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường
ĐH, CĐ. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến
thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, đề thi sẽ tăng
dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó;
Đề thi trong kì thi THPT quốc gia sẽ có định dạng tương
tự đề thi tốt nghiệp THPT tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 nhưng sẽ tăng các câu hỏi ở
mức độ vận dụng, các câu hỏi mở theo định hướng đánh giá năng lực của thí sinh.
Một điều mà nhiều người cũng rất quan tâm và băn
khoăn là liệu việc tổ chức một kì thi quốc gia chung sẽ mâu thuẫn và chồng chéo
với Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ, có thể giải thích rõ hơn?
Trả lời: Phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia được
xây dựng trước hết để đáp ứng mục tiêu đã được Nghị quyết 29 chỉ rõ là “giảm áp
lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng
năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục
đại học”. Tự chủ trong tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học được
quy định trong Luật Giáo dục đại học. Điều quan trọng là phải tổ chức kì thi
THPT quốc gia sao cho kết quả có sự phân hóa và độ tin cậy cao để nhiều trường
ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Có thể những năm đầu chưa có nhiều cơ sở giáo
dục ĐH sử dụng kết quả kì thi trong tuyển sinh, nhưng về lâu dài sẽ ngày càng
có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kì thi trong tuyển sinh. Chỉ khi đó, kì
thi THPT quốc gia mới thực hiện được “sứ mệnh” của nó. Với việc kế thừa, phát
triển những gì tốt nhất của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung“ để
tổ chức kì thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ có cơ sở để yên tâm sử dụng kết
quả kì thi vào tuyển sinh.
Cùng với sử dụng kết quả kì thi quốc gia, căn cứ vào
đặc điểm của ngành đào tạo của trường, yêu cầu đặc thù của công tác tuyển chọn
thí sinh vào trường, các cơ sở giáo dục ĐH có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển
sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết
luận, kiểm tra năng khiếu…Còn đối với các trường không sử dụng kết quả kì thi
THPT quốc gia để tuyển sinh thì sẽ thực hiện tuyển sinh riêng theo đề án tuyển
sinh riêng của trường. Đây là việc các trường ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ tuyển
sinh của mình theo Luật Giáo dục đại học. Như vậy, có thể thấy việc tổ chức một
kì thi THPT quốc gia chung hoàn toàn không mâu thuẫn và chồng chéo với Đề án
tuyển sinh riêng của các trường đại học, cao đẳng.
Trong kì thi THPT quốc gia, các chế độ ưu tiên (theo
khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) có được hưởng
chế độ ưu tiên như trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014
không?
Kì thi THPT quốc gia kế thừa những thành công, ưu điểm
của các kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nhất là năm
2014. Những đổi mới của kì thi này chủ yếu ở mục đích của kì thi, cách thức tổ
chức coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả thi vào xét công nhận tốt nghiệp THPT
và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh, các chế
độ ưu tiên đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh
ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành (như chế độ ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng,
thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) sẽ được tiếp tục áp dụng đối với kì
thi THPT quốc gia từ năm 2015.
Cụ thể: các thí sinh đoạt giải trong kì thi chọn học
sinh giỏi quốc gia năm 2015 và những thí sinh đoạt giải trong kì thi chọn học
sinh giỏi năm 2014 (được bảo lưu) được ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng
quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Những thí sinh này vẫn phải tham dự
kì thi THPT quốc gia; chỉ trừ những thí sinh tham dự kì thi chọn học sinh vào
các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2015 thì không phải
tham dự kì thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới
của Đảng, Nhà nước về các chế độ ưu tiên để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Theo dantri.com.vn
Đăng nhận xét