Luyện thi đại học: Phân tích tác phẩm "Từ ấy" của nhà thơ Tố Hữu
Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời và đặc sắc của bài thơ Việt Bắc
Nghệ thuật dùng cặp đại từ nhân xưng "mình-ta" trong bài thơ Việt Bắc
I. MỞ BÀI:
Trong những năm đầu của thế kỉ XX,
chàng thanh niên Tố Hữu “từ vô vọng mênh mông đêm tối” bỗng nhiên được gặp lý
tưởng Đảng. Lý tưởng ấy như mặt trời rực rỡ đột ngột xuất hiện đã đến gieo vào
tâm hồn nhà thơ biết bao khát vọng nồng nàn, vui sướng vô biên và sức sống mãnh
liệt. Để ghi lại giây phút giàu ý nghĩa ấy, Tố Hữu đã viết nên một bài thơ rất
chân thật và cảm động :“Từ ấy”.
II.
THÂN BÀI:
1.Giới thiệu nhan đề bài thơ.
Vẻ đẹp của nhan đề bài thơ này có mối quan hệ với các khổ thơ , các tác phẩm
trong tập thơ cùng tên và con đường thơ ca của Tố Hữu. “Từ ấy”, bản thân nhan đề đã gợi ra một thời điểm trong cuộc đời con
người. Đối với Tố Hữu là năm 1938 – đây là thời điểm nhà thơ Tố Hữu vinh dự được
đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản tranh đấu cho lý tưởng cách mạng. “Từ ấy”
đo đó đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong con đường đời, đường thơ của
thi sĩ. Nó gắn bó chặt chẽ và chi phối mọi cảm xúc, tâm trạng, thái độ, tình cảm
của cái tôi trữ tình trong bài thơ. Do đó, thật dễ hiểu vì sao “Từ ấy”
đã trở thành tứ của bài thơ tự nhiên và nhuần nhuyễn. Và đó cũng là nhan đề Tố
Hữu đặt cho tập thơ đầu tay. Tố Hữu đã có lần tâm sự: “nếu không có “Từ ấy” thì không biết tôi đã trở thành thế nào, may mắn lắm
thì là một người vô tội”.
2. Niềm vui, niềm hạnh phúc tột đỉnh khi gặp
lý tưởng cách mạng.
Mở đầu bài thơ, chàng thanh niên cộng
sản Tố Hữu đã bày tỏ niềm vui sướng vô hạn khi cảm thấy ánh sáng của chủ nghĩa
Mác-Lênin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình. Nếu như “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” thì hẳn trước đó là một bầu không khí
ảm đạm, thê lương của mùa đông đè nặng lên tâm hồn thi sĩ. Được gặp lý tưởng
lúc ấy, nhà thơ cảm tưởng giống như một người đang lần mò trong bóng tối bỗng gặp
ánh sáng mặt trời:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt
trời chân lý chói qua tim
Hồn
tôi là một vườn hoa lá
Rất
đậm hương và rộn tiếng chim”
Hình ảnh “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân
lý” là những hình ảnh rực rỡ, chói chang của lý tưởng cách mạng vừa làm bừng
tỉnh, vừa chiếu toả tâm hồn nhà thơ Tố Hữu, xua tan và thiêu đốt mọi bóng tối của
chủ nghĩa cá nhân trong tâm hồn thi sĩ và đem lại biết bao sức sống diệu kì.
Hình ảnh “mặt trời chân lý chói qua tim”
là một hình ảnh rất sáng tạo. “Mặt trời”
gợi lên nguồn sáng duy nhất, rực rỡ, bất diệt đưa lại sức sống cho muôn loài. Đối
với Tố Hữu, “mặt trời” còn mang thêm
ý nghĩa soi đường, dẫn lối cho đời cách mạng, đời thơ của mình:
“Thuyền bơi có lái qua giông tố
Không
lái thuyền trôi lạc bến bờ”
có biết bao
nhiêu táo bạo, trẻ trung, sướng vui trong tâm hồn chói sáng ấy. Từ “chói” vừa diễn tả được độ chói sáng , sức
xuyên thấu kì diệu của ánh sáng lý tưởng Đảng, vừa diễn tả được cảm xúc rất đỗi
thiêng liêng có cái gì đó gần như là“choáng
váng” của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng Cách Mạng. Đúng như Chế Lan Viên đã
viết:
“Nếp rêu con cũng chói loà ánh sáng
Khi
mặt trời tư tưởng rọi hang sâu”
Và trước đấy, ca dao cũng có câu rất
hay diễn tả cảm xúc thiêng liêng,khi bắt gặp mối tình đầu
“Thấy anh như thấy mặt trời
Chói
chang khó ngó, trao lời khó trao”
Tâm hồn nhà thơ vừa thoát ra khỏi bầu
trời u ám, giá lạnh bởi bóng đêm xã hội cũ đè nặng lên như thể khu vườn mùa đông
cành khô, lá úa khi gặp lý tưởng bỗng nhiên đã trở thành một khu vườn mùa xuân,
mùa hạ tràn đầy sức sống, chan hoà ánh sáng, đậm đà sắc hương và rộn rã tiếng
chim ca:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất
đậm hương và rộn tiếng chim”
Tâm hồn Tố Hữu được chính tác giả ví
như một “vườn hoa lá” xanh tươi và
tràn ngập ánh nắng, màu sắc, rộn ràng âm thanh reo vui và ngạt ngào hương thơm.
Đó là một hình ảnh rất chính xác mà cũng rất độc đáo, bất ngờ, táo bạo và giàu
ý nghĩa thẩm mĩ. Bằng hình ảnh “vườn hoa
lá” - đầy tính chất tượng trưng, đầy tính chất lãng mạn, cùng với các động từ
mạnh “đậm”, “rộn”, tác giả đã diễn tả được sức sống mãnh liệt, độ lớn của niềm
vui và niềm hạnh phúc tột đỉnh của tâm hồn mình khi bắt gặp lý tưởng. Tâm hồn ấy
là tâm hồn thanh xuân vô cùng đẹp đẽ, tràn đầy nhựa sống, niềm vui. Tuổi trẻ đến
với lý tưởng bằng tất cả khát vọng, say mê là vậy đó. Xuân Diệu, một đại biểu
xuất sắc của thơ ca lãng mạn thời ấy cũng đã có một hình ảnh tương tự khi diễn
tả tình cảm trong trẻo, hồn nhiên, tươi vui của cặp tình nhân ở “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”:
“Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong
vườn thơm ngát của hồn tôi”
Duyên nợ của nhà thơ và lý tưởng Đảng
như duyên nợ của mối tình đầu có biết bao nhiêu thiêng liêng, tha thiết, bền chặt.
Nhưng ở đây, có cái gì đó còn lớn lao, thiêng liêng hơn cả mối tình đầu, như là
sự ơn nghĩa sinh thành. Bởi Đảng không chỉ tái sinh cuộc đời tác giả, mà còn tạo
ra cả hồn thơ, đời thơ cho ông. Điều này có thể cắt nghĩa được vì sao sau này
trong bài“Một nhành xuân” (1980), khi gợi lại cảm xúc lúc bắt gặp lý tưởng, nhà
thơ đã nói lên bằng niềm vui say sưa dường như còn nguyên vẹn của thời “Từ ấy”:
“Từ vô vọng mênh mông đêm tối
Người
đã đến chói chang nắng dội
Trong
lòng tôi ôi Đảng thân yêu
Sống
lại rồi! Hạnh phúc biết bao nhiêu”
3. Hai khổ thơ sau:
-
Những chuyển biến nhận thức mới về lẽ sống, tình cảm trong cái tôi của Tố Hữu.
Giác ngộ lý tưởng cộng sản là giác
ngộ về nhận thức lẽ sống, tình cảm. Trước hết là giác ngộ về chỗ đứng về phía “những tù nhân khốn nạn của bần cùng”.
Cái tôi phải hoà cùng cái ta rộng lớn với nhân dân. Hai khổ thơ vừa như lời tâm
niệm của người chiến sĩ trẻ vừa mới bước vào đời chiến đấu, vừa như thể hiện niềm
vui của nhà thơ tự nguyện, chủ động tìm đến đại gia đình mới của mình. Hàng loạt
từ đồng nghĩa, gần nghĩa, điệp ngữ về nghệ thuật được tác giả sử dụng với một mật
độ lớn nhằm nhấn mạnh, khẳng định. “Trang
trải”, “gần gũi” nhấn mạnh sự gắn
bó chia sẻ; “mọi người”, “trăm nơi”, “bao hồn khổ”, “vạn nhà”,
“vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu”… nhấn mạnh ý rộng lớn bao la của
nhân loại cần lao. Từ “là” lặp lại
nhiều lần “là con”, “là em”, “là anh” nhấn mạnh sự gắn bó máu thịt trong đại gia đình lớn lao là
quần chúng bị áp bức bóc lột. Từ đây, ngòi bút của chàng thi sĩ cộng sản Tố Hữu
hướng đến bày tỏ cảm thông “em bé mồ côi”,
“em bé bán dạo”, “em bé đi ở”, “chị vú em”… Hai khổ thơ này tuy có phần hơi sáo nhưng ý thơ mạnh,
chân thành, thái độ quyết tâm vẫn liền mạch với khổ thơ đầu nên vẫn có sức truyền
cảm mạnh mẽ.
“Từ
ấy” một lần nữa cho ta thấy rõ hơn “Tố
Hữu nhà thi sĩ làm cách mạng và nhà cách mạng làm thơ” (Xuân Diệu). Bài thơ
đầu tay này cũng đã báo hiệu rất rõ những nét đặc trưng trong bản chất phong
cách hồn thơ Tố Hữu, nhà thơ của lẽ sống lớn “viết cái gì cũng để nói cho được lý tưởng cộng sản” (Chế Lan Viên).
Và Tố Hữu cũng là nhà thơ của tình thương mến “thơ Tố Hữu là thơ cách mạng chứ không phải thơ tình yêu… nhưng thơ anh
là thơ của một tình nhân. Anh nói các vấn đề bằng trái tim của người say đắm”,
Nếp rêu con cũng chói loà ánh sáng/ khi mặt
trời tư tưởng rọi hang sâu. (Chế
Lan Viên).
III.
KẾT LUẬN:
“Từ
ấy” không chỉ là bài thơ đặc sắc về nội dung, mà còn rất độc đáo về nghệ
thuật. Với ngòi bút tinh tế, dùng hình tượng thơ táo bạo, chói sáng, gợi tả,
giàu tính lãng mạn, say người với khát vọng bay bổng, câu thơ mạnh, cảm xúc
tràn đầy, giọng thơ đằm thắm trẻ trung, nhạc điệu thơ hăm hở, dồn dập, say sưa
lôi cuốn, Tố Hữu đã để lại trong lòng người đọc những dư vị ngọt ngào, những ấn
tượng khó quên về bài thơ “Từ ấy”, tiếng
hát lạc quan yêu đời, đắm say lý tưởng của người thanh niên cộng sản. Tiếng hát
ấy đến nay vẫn còn làm rung động hàng triệu trái tim thanh niên vì chất men nồng
lý tưởng của nó
Hay. Sức viết tốt
Trả lờiXóa