TopBanner

 

Ôn thi đại học môn Văn: Phân tích cách dùng cặp đại từ nhân xưng "mình-ta" trong tác phẩm "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu
Đề bài: Phân tích cách dùng từ “mình – ta”.

Nghệ thuật dùng cặp đại từ nhân xưng "mình-ta" của nhà thơ Tố Hữu

            a) Cả bài thơ dài 150 dòng gồm những câu lục bát ngọt ngào, đằm thắm như ca dao, dân ca, phảng phất thơ Kiều giàu màu sắc cổ điển. Nó rất tiêu biểu cho hồn thơ, phong cách thơ Tố Hữu.

            b) Những lời thơ lục bát mang đậm màu sắc cổ điển ấy lại được cất lên qua lời đối đáp của hai nhân vật trữ tình có tính chất tượng trưng: “mình – ta” đại diện cho người cán bộ về xuôi và đồng bào miền ngược.

            c) Theo nhà thơ Tố Hữu, “ “mình – ta” ở đây đều là chủ thể. Tức là “mình” ấy, “ta” ấy là một phần của đời sống thi sĩ đã trải qua nhiều năm ở Việt Bắc. Cái phần đời này trò chuyện quyến luyến với phần đời kia. Cho nên, cuộc chia tay không phải diễn ra bình thường mà nó diễn ra trong máu thịt, trong tâm hồn nhà thơ. Sự chia ly của bản thân “mình” là một sự chia ly khó khăn nhất, thiết tha nhất, đắm đuối nhất.” Nhờ cuộc đối đáp độc đáo ấy mà bài thơ mang dáng dấp một khúc hát giao duyên giã bạn đầy bâng khuâng, xao xuyến.

            d) Đối đáp đã trở thành một thủ pháp để khơi gợi, bộc lộ tâm trạng của “ta” và “mình” tạo ra một sự hô ứng đồng vọng của giai điệu tình cảm trong tình yêu nam nữ. Hai đại từ “mình” và “ta” nói trên luôn luôn có sự đắp đổi, chuyển hoá cho nhau, quấn quýt luyến láy trong từng câu, trong cả bài thơ tạo cho “Việt Bắc” một âm hưởng vừa dịu dàng, êm ái, vừa gắn bó ngân vang. Vì vậy, “Việt Bắc” trở thành tiếng nói của tình yêu nhưng là tình yêu đối với quê hương Cách mạng, kháng chiến và thiên nhiên đất nước. Đó là nét độc đáo trong cấu tứ và âm điệu bài thơ.

Đăng nhận xét

 
Top