Luyện thi đại học: Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu
A. Mở Bài:
Từ đầu thập kỉ 80 đến khi mất, Nguyễn
Minh Châu đã chuyển đổi phong cách từ khuynh hướng sử thi sang cảm hứng thế sự
với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh. Tâm điểm khám phá của ông là
con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc và
hoàn thiện nhân cách. Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá “Nguyễn Minh Châu thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài
năng nhất của văn học nước ta hiện nay”. Tiêu biểu nhất cho sự khám phá mở
đường đó là truyện ngắn “Chiếc thuyền
ngoài xa” sáng tác năm 1983. Trong tác phẩm này, ông đã xây dựng được một
tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.
B.
Thân Bài:
I. Vài nét về tác giả.
Nguyễn Minh Châu quê ở huyện Quỳnh
Lưu - Nghệ An. Năm 1950, ông học trường Huỳnh Thúc Kháng, sau đó gia nhập quân
đội. Ông là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam ,
hội viên hội nhà văn Việt Nam .
Ông mất năm 1989 tại Hà Nội. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật năm 2000.
Tác phẩm chính: “Cửa sông” (tiểu thuyết), “Những vùng trời khác nhau” (tập truyện),
“Dấu chân người lính” (tiểu thuyết),
“Những người đi từ trong rừng ra” (tiểu
thuyết), “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc
hành” (tập truyện), “Chiếc thuyền
ngoài xa” (tập truyện).
Quá trình sáng tác của Nguyễn Minh
Châu được chia làm hai giai đoạn rõ rệt. Trước năm 80, ông là ngòi bút sử thi
có khuynh hướng trữ tình lãng mạn. Sau năm 80 đến khi mất, ông chuyển sang cảm
hứng thế sự.
II. Phân tích tình huống.
1. Tình huống là gì?
Trong nghệ thuật viết truyện ngắn,
tìm ra được một tình huống truyện độc đáo là cực kì quan trọng. Tình huống thế
nào đó sẽ làm bật nổi tất cả: từ không khí truyện đến số phận, tâm lí nhân vật,
chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Vậy thế nào là tình huống truyện? Theo Nguyễn
Minh Châu: tình huống truyện như một khúc, một nhát cắt của đời sống, một khoảnh
khắc ngắn ngủi song lại giúp cho người đọc hình dung được diện mạo toàn thể của
đời sống. Với Nguyễn Minh Châu “đôi khi
người ta nghĩ ra một cái tình thế xảy ra câu chuyện thật hay, thế là coi như
xong một nửa… Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình, nổi sắc nhân vật,
làm nổi rõ tư tưởng của nhà văn”.
2. Tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”.
Tình huống truyện ở đây là tình huống
tự nhận thức. Đây là tình huống bao trùm toàn bộ câu chuyện. Trước hết, nghệ sĩ
Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh rất lãng mạn và mộng mơ, nhạy cảm với cái đẹp, đã
đến một bờ biển miền Trung để chụp một tấm ảnh nghệ thuật về thuyền và biển cho
cuốn lịch năm sau theo yêu cầu của trưởng phòng “không có người, hoàn toàn thế giới tĩnh vật”. Phùng đã dự tính bố cục,
đã phục kích mỗi buổi sáng để “chộp”
được cảnh thật ưng ý. Giờ phút ấy đã đến, đôi mắt người nghệ sĩ vốn yêu cái đẹp
thơ mộng đã phát hiện ra một vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh mới có diễm
phúc thấy một lần “trước mắt tôi là một bức
tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ.
Mũi thuyền in một nét mơ hồ, loè nhoè vào bầu trời sương mù màu trắng như sữa
có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn, trẻ
con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ…
Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp… Tôi tưởng
chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái
khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Niềm hạnh phúc lớn lao của người nghệ
sĩ chính là sự khám phá và sáng tạo của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Hình
như anh đã phát hiện cái tần thiện, tần mĩ trong hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” giữa biển trời mờ sương và anh thấy tâm hồn
mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà,
lãng mạn, thi vị của cuộc đời. Điều đó làm cho anh rất thích thú khi nghe ai đó
“phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo
đức” và trong khoảnh khắc tâm hồn anh tràn ngập niềm hạnh phúc do cái đẹp
tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại.
Khi chiếc thuyền vào bờ, Phùng lại
phát hiện ra một điều thật bất ngờ, bất ngờ đến sửng sốt trước một sự thực trớ
trêu, đầy nghích lý như là trò đùa quái ác của sự sống. Đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” của chiếc thuyền
đẹp như mơ ấy, đang bước ra “một người
đàn bà vùng biển trạc ngoài 40 cao lớn với những đường nét thô kệch… Mặt rỗ sau
một đêm mệt mỏi thức trắng kéo lưới, tái ngắt như đang buồn ngủ với dáng vẻ rất
cam chịu”. Đi sau người đàn bà là một người đàn ông “tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ, chân
chữ bát… Hàng lông mày rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ”. Hắn coi việc
đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức, khổ đau, cùng quẫn do cuộc
sống mưu sinh luôn luôn đói nghèo cơ cực nơi vùng biển miền Trung mang đến. “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ
gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính Nguỵ ngày xưa… chẳng
nói chẳng rằng, lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng
quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng
nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ
đau đớn: mày chết đi cho ông nhờ”. Vì thế người đàn bà ấy phải chịu đựng một
sự thật phũ phàng “ ba ngày bị một trận
nhẹ, năm ngày một trận nặng… Cả nước không có một người chồng nào vũ phu như hắn”.
Trước cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lý và thô bạo, không thể làm ngơ trước
cái ác, Phùng đã thể hiện bản chất của người lính yêu lẽ phải, bênh vực người yếu
bằng cách xông ra bảo vệ người đàn bà. Nhưng anh chưa kịp hành động thì thằng
Phác, con trai lão đàn ông tàn ác ấy đã lao tới như một viên đạn bay về tới
đích với một sự giận dữ căng thẳng, nhảy xổ lên dùng khoá sắt chiếc thắt lưng
quật thẳng vào giữa ngực bố để che chở cho người mẹ đáng thương. Người mẹ vì
thương con mà nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi dã man của người bố và không biết
mình đã làm tổn thương đến tâm hồn của đứa con. Cậu bé thương mẹ, bênh vực mẹ
thành ra căm ghét bố mình “người đàn bà
dường như lúc này mới cảm thấy vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã… Miệng
mếu máo gọi, ôm chầm lấy thằng bé rồi lại buông ra chắp tay vái lấy vái để… Thằng
bé như một viên đạn bắn vào người đàn ông và giờ đây đang xuyên qua tâm hồn người
đàn bà, làm rỏ xuống những giọt nước mắt”. Chị sợ con mình phạm tội ác, trở
thành kẻ vô đạo. Như vậy, niềm tin trong trẻo, hồn nhiên, cái quyền vốn có của
tuổi thơ ở cậu bé Phác dường như đã bị tước mất.
Khi câu chuyện của người đàn bà hàng
chài xảy ra ở toà án huyện, những người như Phùng và Đẩu mới hiểu được nguyên nhân
của những điều tưởng như vô lý của sự thật cuộc đời.. Chánh án Đẩu tốt bụng
nhưng lại có phần phi thực tế và hơi đơn giản trong cách nghĩ. Đứng trên góc độ
của một chánh án, nhân danh pháp luật, Đẩu khuyên người đàn bà li dị chồng là
xong, là giải thoát được cảnh đòn roi và thường xuyên bị bạo hành. Đẩu không biết
là bà cần một chỗ dựa cơ bản để kiếm sống đặng nuôi con khôn lớn. Ta hãy lắng
nghe lời cầu xin và trần tình, rụt rè, khiêm nhường mà đầy tự tin, chủ động,
quyết đoán của người mẹ ấy trước vị Bao Công phố huyện và trước nghệ sĩ Phùng:
“Chị chắp tay vái lia lịa: “Con lạy quý
toà… quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được đừng bắt con bỏ nó…
Chị nói thành thực, chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu phải
người làm ăn… đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Đám
đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi
phong ba để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục
đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn.
Cho nên phải gánh lấy cái khổ… Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con, chứ
không thể sống cho mình như trên đất được”. Như vậy hoá ra, nguồn gốc của mọi
sự chịu đựng đến kì lạ gần như ngoài sức tưởng tượng của người đàn bà có phần
quê mùa ít học ấy chẳng phải là vì quá chai đòn, chẳng phải vì tăm tối dốt nát
đến mức mất hết ý thức về quyền sống của mình mà chính là do đức hi sinh, là
tình thương con vô bờ bến của người mẹ. Có hiểu được sự thật ấy, chúng ta mới
thấy sự suy nghĩ và xử sự của chị ta là không thể khác được và thực sự hợp
tình, hợp lý rất sâu sắc. Vả chẳng trong nỗi tủi cực triền miên, người đàn bà ấy
cũng đã vớt được một ít hạt ngọc châu từ dưới đáy biển khổ đau “trên chiếc thuyền cũng có lúc, vợ chồng, con
cái chúng tôi sống hoà thuận vui vẻ… Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi
chúng nó ăn no”. Thì ra với người đàn bà này, mọi niềm vui nỗi buồn, mọi sự
chịu đựng thầm lặng, những nỗi đau đớn, tất cả cũng là vì con vì chồng. Thấp
thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam
nhân hậu, vị tha, chịu thương chịu khó và giàu đức hi sinh, thấm nhuần đạo lý
người vợ, người mẹ:
“Có
con thì khổ vì con
Có chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”
Vì con , mẹ phải chịu biết bao nỗi
khổ để có những niềm vui trong ngần, những nụ cười thanh thản. Người mẹ này xứng
đáng là tượng đài thô giáp và cao vòi vọi. Đó là hiện thân của cái đẹp cần được
tôn vinh. Nhưng không phải là cái đẹp chói sáng hào hùng mà là những hạt ngọc
khuất lấp lẫn trong cái lấm láp, lam lũ của đời thường.
Từ câu chuyện này, Phùng hiểu rõ hơn
cái có lý trong cái tưởng như nghịch lý ở gia đình thuyền chài; hiểu thêm tính
cách của Đẩu và hiểu thêm chính mình.
3. Ý nghĩa khám phá, phát hiện của
tình huống.
Tóm lại, tình huống này được tạo nên
bởi nghịch cảnh giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa với cái thật ở gần: sự
ngang trái éo le trong gia đình thuyền chài. Gánh nặng mưu sinh đè nặng trên cặp
vai hai vợ chồng. Vì thế người chồng vốn hiền lành, nay trở thành kẻ vũ phu.
Anh thường xuyên trút những cơn giận như lửa cháy vào người vợ. Vì anh tưởng vợ
là nguyên nhân của tấn bi kịch đói nghèo, cơ cực, cùng quẫn của đời mình. Vì đời
chật chội nên anh điên khùng. Còn người vợ vì thương con nên âm thầm chẫn nhục
chịu đựng mọi sự bạo hành “khi bị chồng
đánh, bà không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn”.
Qua tình huống này, cái nhìn và cảm nhận của người nghệ sĩ Phùng, chánh án Đẩu
là sự khám phá, phát hiện, tự nhận thức sâu sắc về đời sống và con người.
Đẩu hiểu được nguyên do người đàn bà
không thể bỏ chồng là vì những đứa con. Anh vỡ lẽ ra nhiều điều trong cách nhìn
nhận cuộc sống “một cái gì vừa mới vỡ ra
trong đầu vị Bao Công của cái thành phố vùng biển”.
Phùng như thấy chiếc thuyền nghệ thuật
thì ở ngoài xa, còn sự thật cuộc đời thì ở gần. Và hiểu được đừng vì nghệ thuật
mà quên cuộc đời. Bởi nghệ thuật chân chính luôn luôn là cuộc đời và vì cuộc đời.
Đúng như Tố Hữu đã khẳng định “văn chương
không chỉ là văn chương mà thực chất cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát và nơi
đi tới của văn chương”. Đó cũng là ý đồ nghệ thuật của tác giả Nguyễn Minh
Châu “văn học và cuộc sống là hai vòng
tròn đồng tâm mà tiêu điểm là con người”. Còn nhà văn chân chính thì bao giờ
cũng phải “mang nặng trong mình tình yêu
cuộc sống, nhất là tình yêu thương con người”. Đấy chính là chủ nghĩa nhân
đạo mới mẻ, sâu sắc của Nguyễn Minh Châu. Hãy rút ngắn khoảng cách giữa nghệ
thuật và cuộc đời; phải khám phá, đào sâu vào bản chất cuộc sống và con người.
C.
Kết Luận.
Tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” có ý nghĩa khám
phá, phát hiện về sự thật đời sống, một tình huống nhận thức.
Tình huống này đã nhấn mạnh thêm mối
quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nó mang đến một bài học đúng đắn về cách
nhìn nhận cuộc sống và con người: cách nhìn đa diện, đưa con người vào bối cảnh
nhiều chiều, dân chủ hoá mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả, khơi gợi , nêu vấn
đề cùng thảo luận, bàn bạc, chứ không ban phát chân lý cho người đọc.
Đăng nhận xét