TopBanner

 

Luyện thi đại học môn Văn: Truyện ngắn “ Hai đứa trẻ ” là một tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam. Anh/chị hãy trình bày những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trên.

1. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” in trong tập “Nắng trong vườn” (1938) là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Thạch Lam. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực cao, vừa thấm đượm một giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua truyện ngắn này, Thạch Lam cũng thể hiện một tài năng viết truyện bậc thầy.

Đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm "Hai đứa trẻ"

2. Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện, mỗi truyện như một bài thơ. Thạch Lam có ba truyện viết về những kỉ niệm thời thơ ấu ( Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa ). Ở truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, toàn bộ câu chuyện chỉ kể về tâm trạng thao thức của hai đứa trẻ Liên và An, mong mỏi, chờ đợi một chuyến tàu đêm đi qua phố huyện tiêu điều. Thế nhưng qua câu chuyện kể tưởng như nhỏ nhặt, đơn giản ấy, Thạch Lam đã thể hiện khá chân thực khung cảnh nghèo nàn, đơn điệu của phố huyện nhỏ, thân phân và những ước mơ, khát vọng của những con người nơi đây.

3. Trong “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam chú trọng đi sâu vào nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ mong manh. Những trang viết miêu tả tâm trạng của nhân vật ( đặc biệt là nhân vật Liên ) rất sâu sắc và tinh tế.

4. Thạch Lam đã sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản giữa các vùng âm thanh và ánh sáng. Cả một phố huyện chìm sâu vào bóng tối, chỉ còn một vài chấm sáng tù mù quen thuộc xung quanh ngọn đèn của chõng hàng nước, cái bếp lửa của hàng phở khuya vắng khách và ngọn đèn vặn nhỏ thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa của một hàng tạp hoá. Những ngọn đèn tù mù như ngái ngủ đó tượng trưng cho cuộc sống tù đọng của những người dân quê nghèo khổ nơi phố huyện nhỏ của một vùng nông thôn.

Trong cái cảnh chìm chìm nhạt nhạt và vắng lặng đó, đêm nào cũng có một đoàn tàu đi qua mang theo những luồng ánh sáng mạnh quét vào hai bên và tiếng ồn ào làm xao động cả một vùng quê yên tĩnh. Đoàn tàu như mang đến một thế giới giàu sang và đầy ánh sáng, một thế giới lý tưởng và ước mơ, đối lập với cái hiện thực tĩnh lặng đầy bóng tối nơi phố vắng một huyện nhỏ. Thủ pháp đối lập mà Thạch Lam dùng ở đây cũng là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa.

5. Thạch Lam có một phong cách, một giọng điệu rất riêng. Đó là lối kể chuyện thủ thỉ, tâm tình thấm đượm chất thơ. Người đọc thấy ẩn hiện, kín đáo, lặng lẽ sau những hình ảnh, những dòng chữ, một tâm hồn Thạch Lam đôn hậu, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của tạo vật và lòng người.


Đăng nhận xét

 
Top