Luyện thi đại học môn văn: Phân tích hình tượng Ông
lái đò, từ đó chỉ ra những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc miêu tả nhân vật
Nguyễn Tuân không chỉ say sưa vẻ đẹp “trữ tình thơ mộng, rất gợi cảm” của
con sông Đà, mà ông còn hết lời ca ngợi nhân vật người lái đò. Bằng ngôn ngữ
giàu có, tinh tế như khắc, như chạm, với lối cảm nghĩ độc đáo, thích nhìn sự vật
và con người trên quan điểm thẩm mĩ, văn hoá, với sự lịch lãm, vốn hiểu biết
uyên bác về nhiểu lĩnh vực khoa học, Nguyễn Tuân qua tuỳ bút đặc sắc “Người lái
đò sông Đà” ( in trong tập thơ sông Đà 1960 ) đã xây dưng được một hình tượng hấp
dẫn mang đậm phong cách Nguyễn Tuân. Đó là một người lái đò không chỉ trí dũng
tuyệt vời, mà còn là một nghệ sĩ rất mực tài hoa trong công việc lao động sông
nước, trong nghệ thuật leo thác vượt ghềnh của mình.
I. Lai lịch và chân dụng ngoại hình
Bằng hệ thống ngôn ngữ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình, bằng lối
so sánh độc đáo gợi cảm, trước hết Nguyễn Tuân đã làm sống dậy trước mắt người
đọc hình ảnh một ông lái đò có ngoại hình đặc biệt ấn tượng. “Tay ông lêu nghêu
như con sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cuống
lái tưởng tượng. Giọng ông ào ào như tiếng mặt ghềnh sông. Nhãn giới vòi vọi
như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào trong mù. Người ta nói rằng làm nghề
lái đò trên sông hiểm ác, lắm thác nhiều ghềnh này tổn thọ lắm. Nhưng ông lái
đò của Nguyễn Tuân đã cải chính một cách hùng hồn cái điều ấy bằng hình ảnh một
con người đã gần bảy mươi tuổi, cái đầu đã bạc nhưng còn “quắc thước” lắm đặt
trên một thân hình, cao to, gọn quánh như chất sừng, chất mun, ông giơ đôi tay
“còn trẻ tráng quá!”, làm cho người ta lầm tưởng là “mình đang đứng trước một
chàng trai”.
Đặc điểm ngoại hình đặc sắc ấy tự nó đã nói lên một cách đầy đủ với độc
giả, con người này như được sinh ra từ sóng, thác hung dữ của sông Đà. Và là “một
linh hồn muôn thuở sông nước này”.. “ông làm nghề chở đò đã 15 năm liền, trên
dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chính tay ông đã giữ
lái độ sáu chục lần! Cảnh sông nước lên thác, xuống ghềnh nhiều hiểm nguy đã
tôi luyện cho ông lái đò những giác quan và phẩm chất đặc biệt. Ông trở thành
con người lão luyện, từng trải, hiểu biết, thành thạo cái nghề sông nước độc
đáo của mình. “Trí nhớ ông được rèn luyện
cao độ, bằng cách lấy mắt mà đóng đinh vào lòng tất cả những luồng nước của các
con thác hiểm trở”.
Nguyễn Tuân đã dành cho ông lái đò những câu văn, hình ảnh đầy thán phục;
“Sông đà đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc
đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng”.
Thật là một cách so sánh giàu tính chất nghệ thuật rất mới lạ, hấp dẫn và
rất Nguyễn Tuân. Con người được Nguyễn Tuân giới thiệu như là một người được mọc
lên từ “con sông Đà hung dữ, độc ác, khét tiếng với “72 con thác hiểm nghèo” ấy đã có khả năng kì diệu là chế ngự con
sông hung dữ thành một môi trường sống thân thuộc, êm dịu của mình. Ông lái đò
tâm sự “chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dãi chân tay và buồn ngủ
như người Mèo kêu mỏi chân khi dẫm lên đồng bằng thiếu dốc, thiếu đèo”.
II.Ông lái đò rất mực tài trí, dũng cảm
trong những chuyến vượt thác đầy hiểm nguy.
Nhân vật lái đò với những đặc điểm ngoài hình và lai lịch có một không
hai ấy, nếu xuất hiện trên khung cảnh sông nước êm đềm, phẳm lặng trong cuộc
mưu sinh thì hẳn là không thể gây được ấn tượng gì sâu sắc cho người đọc. Ở
đây, Nguyễn Tuân đã có dụng ý nghệ thuật sâu xa để cho người lái đò xuất hiện
trên hoàn cảnh đầy thử thách khốc liệt nhằm bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của
nhân vật. Nguyễn Tuân khẳng định, ông muốn ghi ở đoạn này những hình ảnh chiến
đầu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà. Trên một quãng thuỷ
chiến của mặt trận sông Đà, Nguyễn Tuân đã mô tả một cách chân thật, sinh động,
vừa trang trọng, vừa yêu thương, vừa cảm phục nhân vật ông lái đò rất hiên
ngang, trí dũng trong cuộc chiến đấu với những con sóng, con thác đầy hung dữ
hiểm nguy. Cuộc vượt thác dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân diễn ra như một trận
đánh dữ dội có nhiều hồi, nhiều đợt ; mỗi đợt lại có những thử thách ác liệt
khác nhau, dòng sông bày ra những thạch trận hiểm hóc khác nhau “lúc này sông Đà reo lên như đun sôi một trăm
độ, muốn hất tung đi cái thuyền đóng vai một nắp ấm khổng lồ… đá ở đây nghìn
năm vẫn mai phục trong lòng sông để vồ lấy con thuyền. Đá bày ra thạch trận
trên sông, với boongke chìm, pháo đài nổi…Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm
thanh viên cho đá phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng, thuỷ thủ ngay ở chân
thác”. Kho từ vựng giàu có và vốn kiến thức khoa học phong phú như quân sự,
võ thuật, thể dục thể thao, điện ảnh.. của Nguyễn Tuân được dịp huy động để
miêu tả cuộc thuỷ chiến ác liệt giữ người lái đò và sóng thác sông Đà “sóng nước
thúc gối vào bụng và hông thuyền, có lúc chúng đội cà thuyền lên, nước bám lấy
thuyền như đô vật túm lấy thắt lưng ông lái đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận
nước vang trời tha la, não bạt. Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất..
Có lúc tưởng như ông lái đò sẽ bị con thuỷ quái sông Đà hung bạo muốt chửng.
Nhưng ông lái đò vẫn không hề nao núng, trái lại vẫn bình tĩnh chủ động chiến đấu
một cách dũng cảm đầy mưu trí như một vị chỉ huy tài trí tuyệt vời, điều khiển
con thuyền lần lượt vượt qua thác ghềnh như phá cái trận đồ bát của dòng sông
hung bạo.. dòng nước hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà. Nhưng người
lái đò vẫn cưỡi lên thác đến cùng như cưỡi hổ”. Cả những lúc bị thương “mặt méo bệch đi” mặc cho luồng sóng “đánh đòn âm, đòn tỉa vào chỗ hiểm, ông lái
đò vẫn hai chân kẹp chặt cuống lái”
III.Người lái đò tài hoa tuyệt vời
Ông lái đò còn là người tài hoa, có phong thái ung dung pha chất nghệ sĩ.
Sóng thác sông đà rất khắc nghiệt hung dữ. Chỉ cần người lái đò một phút thiếu
chính xác, một tích tắc thiếu bình tĩnh, nhỡ tay, hoa mắt là có thể phải trả
giá bằng chính cả sinh mệnh của mình. Nhưng sóng thác sông Đà dù có hung dữ đến
đâu, cũng bị khuất phục trước người lái đò thời nay. Bởi người lái đò là một
nghệ sĩ có nghệ thuật chở đò kì diệu. Nghệ thuật ấy được biểu hiện rõ nhất ở khả
năng nắm chắc quy luật tất yếu của dòng sông Đà và nhờ thế người lái đò trở
thành người tự do, người chiến thắng. Người lái đò nắm chắc được binh pháp của
thần sông, thần đá, thuộc lòng các luồng sinh, luồng tử mà chủ động trong mọi
tình huống. “Ông đã thuộc quy luật phục
kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”.
Lúc thì ông cuỡi lên con thác, nắm lấy bờm sóng mà phóng nhanh qua cửa tử,
lúc lại ghì cương đè sấn lên mà chắt đôi con thác”, xuống thác người lái đò
linh hoạt và luôn luôn cơ động mà phối hợp đôi mắt, đôi tay đôi chân lái con
thuyền ”, xuyên qua biết bao ghềnh thác hiểm nghèo của dòng sông hung bạo này.
Nguyễn Tuân gọi người lái đò có “tay lái
ra hoa” là như vậy.
Thật đẹp biết
bao hình ảnh người lái đò sau những phút giây chiến đấu sống còn với sóng thác
sông Đà đầy hung bạo, lại ung dung “ đốt
lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá dầm xanh, anh vũ... Chẳng
ai bàn tán thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải, trước đủ tướng
dữ, quân tợn vừa rồi”
IV.Đánh giá về bút pháp Nguyễn Tuân.
Trước kia Nguyễn Tuân bị xem là nhà văn có quan điểm duy mĩ. Ngày nay ông
đã hướng ngòi bút của mình đến những con người lao động bình thường. Ông phát
hiện ra nét tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động không chỉ thể hiện
trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, mà còn cả trong những hoạt động khác. Nếu
như công việc của họ đạt tới trình độ điêu luyện, ví như người lái đò cũng trở
thành người nghệ sĩ tài hoa trong công việc lao động đầy hiểm nguy, nhưng cũng
vô cùng cao cả của mình. Nguyễn Tuân gọi đó là “cái thứ vàng mười mang sẵn
trong tâm trí người Tây Bắc”. Cũng như qua những hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn
phát biểu một quan niệm : “Người anh hùng
không chỉ trong chiến đấu, mà còn xuất hiện trong cả cuộc sống lao động bình
thường”. “Trên bả vi người lái đò bầm
lên một khoanh củ nâu. Cái đồng tiền tụ máu ấy là cái hình ảnh quý giá của một
thứ huân chương lao động siêu hạng tặng cho người lái đò sông Đà”. Chỉ một
vết thương nghề nghiệp của đầu con sào gửi lại đời đời của người lái đò mà Nguyễn
Tuân đã nâng lên tầm vóc anh hùng ca. Thật là một ý nghĩ độc đáo rất thú vị mà
cũng vô cùng sâu sắc.
Kết Luận
Qua tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”,
độc giả chúng ta không chỉ được thưởng thức một khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc
hung bạo dữ dằn nhưng trữ tình thơ mộng mà con được chiêm ngưỡng hình tượng người
lái đò có phong thái ung dung pha chút nghệ sĩ, song lại rất mực mưu trí dũng cảm
trong cuộc vượt thác đầy hiểm nguy. Qua đó, chúng ta còn được thưởng thức một
kho từ ngữ mới mẻ, giàu màu sắc tạo hình, cùng với lối ví von so sánh mới lạ,
tài hoa bất ngờ, độc đáo của một ông vua tuỳ bút - Nguyễn Tuân.
Đăng nhận xét