TopBanner

 

Sau gần 4 tháng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện kì thi học kì là dịp các bạn học sinh đánh giá lại quá trình học tập của mình. Làm thế nào để ôn tập tổng hợp kiến thức của từng môn học một cách khoa học, làm thế nào để tìm ra lỗ hổng kiến thức, kĩ năng để kịp thời bổ sung? Tham khảo ý kiến từ các giáo viên, Hocmai.vn sẽ đưa ra một số gợi ý để giúp bạn ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi học kì sắp tới.

Lập đề cương ôn tập bằng “bản đồ tư duy”

Sơ đồ tư duy hay bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hoá một chủ đề.

“Bản đồ tư duy có cấu tạo như một cái cây với nhiều nhánh lớn, nhỏ mọc xung quanh. “Cái cây” ở giữa bản đồ là một hình ảnh trung tâm, là ý tưởng chính. Nối với nó là các nhánh lớn, nhỏ thể hiện các vấn đề liên quan với ý tưởng chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành nhiều nhánh nhỏ, rồi nhánh nhỏ hơn, nhánh nhỏ hơn nữa nhằm thể hiện vấn đề ở mức độ sâu hơn. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục và các kiến thức, hình ảnh luôn được kết nối với nhau. Sự liên kết này tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng.” (Nguồn: Sưu tầm)

Với việc mô tả kiến thức dưới dạng bản đồ, học sinh chỉ cần nhìn vào bản đồ tư duy là có thể tự hệ thống lại kiến thức mà không mất nhiều thời gian làm “đề cương, đáp án”. Để chuẩn bị tốt cho kì thi học kì, các bạn nên lập các bản đồ sau:
  • Sơ đồ về lí thuyết: Nội dung này được lập tổng thể theo toàn bộ theo kiến thức hoặc theo từng chương trong sách giáo khoa đã được học.
  • Sơ đồ về bài tập, kĩ năng: Các dạng bài tập tương ứng với từng chương, phương pháp giải, những điểm cần lưu ý, đặc biệt là những lỗi của bản thân hay mắc phải từ các bài kiểm tra trên lớp...
on-tap-dia-li-9-1-1.jpg
(Ảnh: Trường THCS Nguyễn Khuyến – TP.Cam Ranh)

Trong quá trình ôn tập theo bản đồ đã lập, khi chưa nắm vững nội dung kiến thức nào, các bạn có thể trao đổi với thầy cô ở trường hoặc tham khảo bài giảng trong các khóa học tại Hocmai.vn để hiểu sâu, nắm chắc kiến thức đó. Ngoài bài tập trong sách bài tập, sách giáo khoa, học sinh có thể luyện tập hàng ngày các bài kiểm tra 15’, 45’, đề thi học kì... trong thư viện đề thi khối THCS, THPT tại Hocmai.vn để rèn luyện kĩ năng làm bài và chuẩn bị tâm lí trước khi bước vào phòng thi.

>>> Giúp học sinh tìm kiếm các bài kiểm tra miễn phí và các bài giảng tại Hocmai.vn 

Một số lời khuyên của thầy cô tại Hocmai.vn:

Thầy Đoàn Công Thạo: “Với kì thi học kì, học sinh cần rà soát lại toàn bộ kiến thức theo sách giáo khoa. Để ôn tập lại lí thuyết nhanh nhất, các em cần học theo 3 bước: Bước 1: Tự viết lại đề mục của từng bài học; Bước 2: Đọc lại các đề mục theo sách giáo khoa, ghi nhớ qua hình ảnh các con chữ trên trang giấy; Bước 3: Viết lại nội dung bài học, tóm tắt lại các ý chính theo ý hiểu của mình. Căn cứ vào nội dung lí thuyết, học sinh phân loại các dạng bài tập cơ bản đi kèm, tìm hiểu thêm các dạng bài tập nâng cao để đạt được điểm 9, điểm 10 trong kì thi học kì.”

Cô Tống Thị Son: “Trong đề thi học kì THPT thường có 10% là câu hỏi khó, một số nội dung sẽ thường nằm trong các đề thi đại học. Vì vậy, để đạt được điểm cao trong kì thi học kì ngoài việc ôn tập kiến thức theo sách giáo khoa học sinh cũng nên tham khảo một số bài tập nằm trong đề thi ĐH, CĐ các năm gần đây.”

Thầy Nguyễn Quang Anh: “Nội dung thi học kì nằm ngay trong chương trình học trên lớp vì vậy các em nên làm lại bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập để thành thạo các dạng bài. Ngoài ra, để đạt điểm cao các em cũng nên tham khảo các nội dung trên mạng internet hoặc sách tham khảo.”

Thầy Lê Bá Trần Phương: “Với môn Toán, học sinh nên chịu khó tính toán để giữ tâm lí ổn định và tránh nhầm lẫn khi bước vào phòng thi. Học sinh cần phải lý luận chặt chẽ, dẫn dắt vấn đề, tránh làm tắt, làm tới đâu chắc tới đó để không bị mất điểm đáng tiếc.”

Thầy Vũ Khắc Ngọc: “Đối với học sinh lớp 12, cái đích lớn nhất là kì thi đại học và sẽ phải làm tất cả để hướng tới kì thi đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các kì thi khác hoặc các môn học khác là không quan trọng. Các em phải coi mỗi lần kiểm tra, thi học kì, thậm chí kì thi tốt nghiệp là những thử thách để rèn luyện tâm lí và bản lĩnh trong phòng thi.”



Để có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân về phương pháp học trong kì thi học kì, kì thi giúp học sinh đánh giá lại quá trình học tập một cách toàn diện, là bước đệm cho kì thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ sắp tới, các bạn hãy cùng nhau tham gia thảo luận tại topic “Để đạt điểm 10 bài thi học kì” trên diendan.hocmai.vn.

Hocmai.vn tổng hợp

Đăng nhận xét

 
Top