TopBanner

 

Một loạt các biện pháp chống thi hộ, thi thuê đã được lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ tập huấn cho các giám thị để áp dụng trong kì tuyển sinh đại học, CĐ 2014

Để không cho những đối tượng thi hộ lợi dụng việc dùng ảnh chỉnh sửa để gian lận, năm 2014 Bộ Công an đã quy định công an quận, huyện sẽ có trách nhiệm chụp ảnh cho thí sinh dự thi đại học ngay khi sơ tuyển, không cho phép thí sinh dùng ảnh có sẵn để dán vào hồ sơ như trước, tránh kịch bản người thi hộ được chọn có ngoại hình hơi giống thí sinh nhờ thi hộ, sau đó ảnh chụp thí sinh nhờ thi hộ sẽ được chỉnh sửa theo hướng “kết hợp” với gương mặt người thi hộ để tạo ra ảnh mới có nét hao hao giống với cả hai.

Năm ngoái, một thí sinh đã bị nghi ngờ không giống với ảnh trong thẻ dự thi đại học vào buổi thi môn cuối của đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 (môn hóa, diễn ra vào sáng 5-7), tại điểm thi đại học Phòng cháy chữa cháy nên giám thị đã báo cáo lên hội đồng tuyển sinh. Chỉ sau vài câu hỏi nghiệp vụ đơn giản Hội đồng đã làm lộ ra người dự thi sinh năm 1981 đi thi thuê cho một thí sinh sinh năm 1995.

Trước đó, ở môn thi đầu tiên của khối A, Học viện An ninh nhân dân cũng phát hiện một trường hợp sinh năm 1987 thi hộ thí sinh sinh năm 1995. Cả hai đối tượng thi hộ đều từng là SV các trường ĐH tên tuổi. Bất ngờ hơn cả là sau kỳ thi tuyển sinh, số trường hợp thi hộ, thi thuê bị phát hiện còn tăng lên gấp nhiều lần. Tại Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, trường chỉ phát hiện một trường hợp thi thuê, nhưng hậu kiểm sau đó đã truy ra thêm hai SV đang ung dung học năm thứ hai cũng chính là đối tượng trúng tuyển vào trường nhờ có người khác đi thi hộ và làm bài giùm.

“Thủ đoạn của thi hộ là dùng ảnh chỉnh sửa để “qua mặt” cả người nhận hồ sơ và giám thị coi thi. Song nếu giám sát, kiểm tra kỹ lưỡng sẽ không để “lọt lưới” được. Thí sinh thi hộ bị phát hiện năm ngoái có tuổi đời lớn hơn thí sinh trong hồ sơ đến cả chục tuổi, nên dù ảnh chỉnh sửa có thể hao hao giống nhau nhưng quan sát kỹ sẽ thấy nghi ngờ ngay”- PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn, hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, nói.

Theo tiết lộ của các trường, các trường hợp thi thuê, thi hộ chủ yếu ở nhóm thí sinh dự thi khối A nhằm hạn chế tối đa “vết tích” để lại trên bài thi. “Khối A có đến 2/3 môn thi trắc nghiệm, thí sinh làm bài chỉ cần “tích” vào phương án đúng, ít để lại chữ viết”- lãnh đạo một trường công an nhận định.

Không riêng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, một số trường ĐH công an khác cũng phát hiện thêm một số trường hợp thi hộ khi thí sinh trúng tuyển vào trường. Ông Nguyễn Xuân Sinh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật hậu cần công an nhân dân - cho hay công tác hậu kiểm sau kỳ thi đã phát hiện đến gần 10 trường hợp thi hộ mà quá trình coi thi năm 2013, các giám thị không phát hiện.

Thí sinh dự thi ĐH 2014 phải tự tay viết hồ sơ
Ở các trường quân đội, để tránh việc thi thuê, thi hộ, công tác rà soát, đối chiếu ảnh được quán triệt thực hiện ngay từ khâu sơ tuyển. Theo quy định tuyển sinh vào các trường quân đội của Bộ Quốc phòng, ảnh dự thi của thí sinh phải là ảnh mới chụp, không qua chỉnh sửa bằng bất cứ phần mềm chỉnh sửa ảnh nào. Khi sơ tuyển, thí sinh phải tự viết tay hồ sơ tuyển sinh và trực tiếp mang hồ sơ đến nộp, không được nhờ người nộp hộ hồ sơ.

Tuy không có quy định cứng về việc chụp ảnh tại chỗ như Bộ Công an, nhưng thực tế nhiều ban tuyển sinh quân sự cấp huyện cũng đã tiến hành việc chụp ảnh tại nơi sơ tuyển cho thí sinh. Ngoài ra sau kỳ thi, khi thí sinh đã nhập học, công tác hậu kiểm vẫn tiếp tục được tiến hành để rà soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gian lận thi cử.

Tăng cường tập huấn “nhận dạng” trong kì thi đại học 2014
Năm 2014, các trường công an tiếp nhận lượng hồ sơ dự thi kỷ lục, lên đến hơn 83.000 thí sinh, tăng hơn 33% so với năm 2013, nên công tác giám sát kỳ thi càng được tăng cường mạnh mẽ.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công an, bản thân các trường ĐH công an cũng phải triển khai nhiều biện pháp đi kèm để ngăn ngừa tình trạng thi hộ, đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu giám thị phải đối chiếu kỹ gương mặt thí sinh dự thi với các giấy tờ có dán ảnh thí sinh như giấy chứng nhận sơ tuyển, giấy báo dự thi, chứng minh nhân dân, bằng (giấy chứng nhận) tốt nghiệp THPT.

Viết, vẽ bậy vào bài thi đại học sẽ bị đình chỉ
Liên quan đến kỷ luật phòng thi, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý thí sinh tránh các vi phạm có thể dẫn đến việc đình chỉ thi. Cụ thể, thí sinh không được mang những vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi, không được đưa đề thi đại học ra ngoài khu vực thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; không được có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác. Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh năm nay, nếu thí sinh viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi cũng sẽ bị đình chỉ thi.

Thi đại học 2014: Thắt chặt các biện pháp chống thi hộ, thi thuê


Thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn thi đại học nào sẽ bị điểm 0 môn đó; phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định của ủy viên phụ trách điểm thi; phải nộp bài làm và đề thi cho cán bộ coi thi và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài môn đó; không được thi các môn tiếp theo; không được dự các đợt thi kế tiếp trong năm đó tại các trường khác.
Theo VietQ.vn

Đăng nhận xét

 
Top