TopBanner

 

Càng gần đến ngày thi, áp lực thi và luyện thi đại học càng đè nặng lên vai các sĩ tử. Không ít học sinh đã không thể chịu nổi trước những sức ép học hành, đỗ đạt mà gia đình, nhà trường áp đặt hoặc vô tình áp đặt khiến cho các sĩ tử bị stress. Đau lòng nhất là khi gần đến ngày "vượt vũ môn", các sĩ tử lại phải nhập viện để điều trị chứng lo âu, trầm cảm. Thậm chí nhiều trường hợp đã có những hành động dại dột khi không giải tỏa được sức ép tâm lí.

Trầm cảm vì áp lực thi đỗ đại học
Áp lực phải thi đỗ đại học và nhiều vấn đề khác do tâm sinh lí lứa tuổi không được giải tỏa khiến nhiều em học sinh ngày càng thu nhỏ mình hơn và rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng, mất ăn mất ngủ, thậm chí là mất tập trung vào những việc khác... Đã có nhiều trường hợp phải nhập viện vì trầm cảm nặng, phải điều trị lâu dài, chỉ đến khi nghe bác sĩ chuyên khoa tư vấn, kết luận về tình hình bệnh tật thì các bậc phụ huynh mới té ngửa rằng chính mình đã góp phần gây bệnh cho con.
Th.S, BS Lê Thị Thu Hà, Phó Phòng điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Trước và sau kì thi đại học, cao đẳng, viện tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện điều trị chứng trầm cảm, lo âu do gặp phải áp lực thi đại học. Chủ yếu là các em học sinh nữ vì vốn có thể chất và tinh thần yếu hơn các học sinh nam. Hơn nữa, trong số những em nhập viện điều trị hầu hết là những em học sinh ngoan, có học lực khá, chỉ vì gia đình và nhà trường đặt quá nhiều hi vọng, nên khi không đạt được thành quả như mong muốn dễ khiến các em lâm vào tình trạng hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe tâm thần.

BS Hà tâm sự: "Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một cô bé tên là L. (nhà ở Thường Tín, Hà Nội) rất xinh xắn, trắng trẻo phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, lúc thì nói nói cười cười, lảm nhảm một mình, lúc thì khóc lóc, vật vã, thảm thương. Ở thời điểm nhập viện thì L. đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp. Bố mẹ L. cho biết, gia đình chỉ có 2 người con nên rất kì vọng vào cháu, muốn cháu thi đậu vào một trường đại học tốt. Vì vậy, ngay từ khi còn học cấp 3, L. đã phải ôn luyện rất nhiều. Nhà ở tận Thường Tín, nhưng ngoài giờ học ở lớp, bố mẹ còn tạo điều kiện để con đến luyện thi đại học ở các Trung tâm trong nội thành. Không biết có phải vì học nhiều quá mà tự nhiên L. bị mất ngủ, không ăn uống được gì, lúc nào cũng có tâm trạng hoảng hốt. Triệu chứng cứ ngày một nặng hơn, khiến L. mất dần nhận thức về các sự việc xung quanh".
"Đối với trường hợp này, trước tiên chúng tôi phải cho cháu dùng thuốc an thần, nhưng quan trọng nhất là phải thường xuyên an ủi động viên cháu. Bác sĩ điều trị cũng phải làm cả "cuộc cách mạng" để thay đổi nhận thức đối với từng thành viên trong gia đình để họ không vô tình tạo thêm áp lực cho con. Những trường hợp đã điều trị và được xuất viện, nếu gia đình không biết cách động viên, giảm bớt áp lực thì triệu chứng rối loạn vẫn có thể tái phát. Theo tôi, con người ta có rất nhiều cách để sống vui vẻ, hạnh phúc, có một công việc tốt mà không nhất thiết cứ phải là đại học", BS Hà giải thích.
Khi gặp phải áp lực trong cuộc sống, nhất là đứng trước ngưỡng cửa quan trọng quyết định đến cả tương lai sau này, không phải bạn trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để vượt qua. Cá biệt có một số em vì quá tuyệt vọng đã dẫn đến những hành động tiêu cực như tự tử.

Nguy cơ "tâm thần" cận kề
Bác sĩ Hà cho biết: "Tôi rất đau lòng khi gặp những trường hợp phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm do chịu nhiều áp lực từ thi và ôn thi đại học. Các em còn quá non nớt, ngây thơ, con đường tương lai mới chỉ bắt đầu mà đã gặp phải những cú sốc lớn vì sự thiếu hiểu biết của người lớn".
Những rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm làm giảm sút đáng kể sự phát triển và khả năng học tập của học sinh. Các rối loạn hành vi phá vỡ nghiêm trọng sự phát triển về mặt xã hội và có thể dẫn tới mắc các chứng bệnh tâm thần về lâu dài. Nhiều trường hợp, do mắc chứng rối nhiễu tâm trí nên các em có thái độ chống đối, quậy phá. Đôi khi cha mẹ, thầy cô không hiểu và cho rằng các em hư hỏng, “khó dạy” chứ không nghĩ các em đang rơi vào tình trạng mất ổn định, rối nhiễu về tâm lí, tâm thần để can thiệp, điều trị kịp thời. Áp lực về học tập, ôn thi đại học hiện nay góp phần tác động không nhỏ khiến các em bị quá tải về mặt tinh thần, dễ rơi vào tình trạng bệnh lí trước và sau thi cử, BS Hà cho biết thêm.

Với lịch học dày đặc được cả gia đình và nhà trường "giăng" ra như hiện nay, cùng với chương trình học luôn ở mức quá tải khiến các em học sinh phải chịu áp lực lớn trong tiếp thu kiến thức, kết quả học tập. Có rất nhiều nguyên nhân gây hội chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, áp lực phải đỗ đại học từ phía gia đình hoặc bản thân các em lại là nguyên nhân chính gây nên rối loạn stress. Thêm vào đó là khối lượng kiến thức lớn, mật độ ôn thi đại học dày đặc cũng khiến các em căng thẳng, mệt mỏi. Lâu dần, nếu không được nghỉ ngơi một cách hợp lí rất có thể dẫn đến bệnh rối loạn stress hoặc nặng hơn là rối loạn tâm thần. Một nguyên nhân chủ quan liên quan đến bệnh rối loạn stress của hàng loạt học sinh, sinh viên là yếu tố cơ địa của từng em. Lượng hormon có tên khoa học serotonin trong cơ thể bị giảm, nguy cơ học sinh, sinh viên mắc rối loạn trầm cảm cao. Rối loạn trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng rất khó điều trị, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo, để luyện thi đại học hiệu quả, các em cần sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi phù hợp, nên dành ít nhất 6 tiếng/ngày để ngủ. Không nên dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ bởi chỉ có một vài loại có tác dụng hỗ trợ học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng nhưng hiệu quả rất nhỏ. Mặt khác, song song với việc dạy kiến thức, nhà trường và xã hội nên dạy các em học sinh về kĩ năng sống, để các bạn trẻ nhận thức đúng đắn về giá trị của cuộc sống và tự tin đứng vững trước những khó khăn, trở ngại để có thể chống chọi với những cú stress trong cuộc đời.


Mùa tuyển sinh đang đến gần, vì vậy, các bậc phụ huynh, thầy cô và nhà trường cần có những động thái tích cực, động viên tinh thần, tạo điều kiện để các em ôn thi đại học xen kẽ nghỉ ngơi thư giãn. Không nên áp đặt thành tích phải đạt được cho con em mình trong thi cử vì điều đó tạo áp lực nặng nề dẫn đến những tổn thương và bệnh lí về tâm thần, mà khi đã mắc bệnh sẽ để lại những di chứng, làm ảnh hưởng đến tương lai các em.

Đăng nhận xét

 
Top